Tuesday, November 3, 2009

Ở Sapa mà nhớ Sapa

30/10

Thị trấn Sapa bây giờ chật cứng, tòan là nhà cửa, hàng quán, chợ búa…Các quán ăn xem ra cố tạo cho được phong cách “Tây” với những hàng hiên gỗ nhô ra đường, bàn ghế gỗ kiểu ngoài trời và những menu bắt mắt: Pizza, Steak house, grill…

Nhưng nội thất thì pha trộn nửa cao bồi, nửa dân tộc với đủ thứ basket, textile, váy vóc cũ can vá treo chi chít. Nhà cô Liên Hiếu là chỗ CL staff gắn bó nhiều năm nay đã không còn như trước. 1 phần nhà hàng đã được cải tạo để cho thuê làm Gallery còn thì trổ một cải ngõ lớn dẫn vào 1 khách sạn hoành tráng, trang bị khá hoàn hảo – khách sạn Royal View Hotel ( Mình ở chính chỗ này) Ở một mình một phòng rất rộng lại có cái ban công hình bán nguyệt thẳng sảnh chính lên. Đúng là “ Royal view”

Buổi sáng theo đoàn đi lên Hàm rồng. Hai bên đường dốc lên chi chít các hàng thuốc bắc, thuốc nam, thuốc người Dao đỏ, nấm khô, mật ong, rượu thuốc…Phần lớn đóng gói trong các túi nilông bóng loáng, nhãn in giấy trắng tinh. Các chủ quán thì đanh đá chẳng kém ở chợ Đồng xuân là mấy!

Dọc đuờng Hàm rồng qui hoạch đủ loại vườn lan, vườn hoa kiểu Tây, làng Văn hóa Dân tộc, sân biểu diễn văn nghệ và cả một khu vui chơi sặc sỡ dành cho trẻ em. Nhạc nhẽo đàn sáo réo rắt khắp các khe núi!

Một số quán bán thổ cẩm cũng được phép bán ngay tại vườn hoa Tây. Mặt hàng thì cứ gọi là tạp pí lù, 99% nhập từ Trung Quốc. Tệ đeo bám bán hàng vẫn không mấy thay đổi, thậm chí số lượng còn tăng hơn trước.

Buổi chiều vào Tả Phìn.

Đường vào tả Phìn nghe nói có 1 cây cầu bị sụt mất 1 mố đã nửa năm nay mà không ai sửa chữa. Vì vậy phải đi đường khác, rẽ ngay từ đoạn gần đến cái nhà của viện dược liệu, khu vực nông trường. Đường cấp phối, rất dốc và nguy hiểm. Đường đi như thế là dài đến gấp rưỡi bình thường.

Vào Tả Phìn bây giờ rất sợ!

Xe vừa đỗ lại là một đám đông đỏ rực, phải đến gần trăm người như một đám cháy, xâu vào gạ bán hàng. Khách chắc là rất chóang! Thậm chí phải mất một lúc mới thóat ra khỏi xe!

Khu vực nhà của dự án bây giờ trông rất chán. Cái nhà gỗ hai tầng khá duyên dáng ngày xưa nay bỏ trống vì lí do khách hàng chê lên cầu thang khó khăn, bất tiện. Tòan bộ hàng hóa chuyển xuống căn nhà gỗ nhỏ lợp tôn xấu xí bên cạnh. Trong cửa hàng chẳng có có giá kệ, bầy biện gì nữa. Hàng hóa chỗ thì chất đống phủ ni lông, chỗ thì lèn chặt trong thùng cát tông. Mẫu mã thì khá tạp nham, phần lớn là những hàng thêu lòe loẹt của người Mông trên nền vải bạt và một ít hàng Dao chất lượng kém. Một số mẫu là kết quả của các do các dự án khác đào tạo cho nhóm. Những mẫu gốc của dự án CL còn rất ít.

Các poster của CL bị bỏ lại trong căn phòng cũ chứ không treo tại cửa hàng. Còn một cái biển của của dự án nay đã bạc phếch treo kẹp giữa hai căn nhà trông rất tội nghiệp và nhếch nhác. Trên thực tế, khách hàng thường bị các phụ nữ bán hàng rong chặn lại từ vòng ngoài nên khó có thể vào được cửa hàng, trong khi bên trong cửa hàng cũng không có gì hấp dẫn.

31/10

Buổi sáng cả đoàn được free đến 9h30. Sau khi ăn sáng tại KS, ra chợ để mua ít vải và vào tầng hai, khu vực bán thổ cẩm để xem tình hình như thế nào. Vừa hay lại gặp bà Sung (Tả Phìn) ngồi chễm trệ trong 1 quầy hàng. Bà í bảo, bây giờ già rồi, mắt kém không thêu được nữa nên ngồi bán hàng ở đây. Mọi khi trong khu vực này vẫn có thể tìm được khá nhiều những mảnh thêu cũ và đẹp từ rất nhiều nơi tập hợp lại, nhưng hiện nay cũng rất là hiếm. Các thể loại rởm rít từ TQ và các tấm vải can từ váy cũ vẫn tràn ngập khắp nơi. Tìm được 2 tấm thắt lưng cũ của Bát Xát với giá bèo 30 – 50K một tấm, mua luôn không buồn mặc cả.

9h30 cả đòan check out rồi xuống thăm SXH. Tuyến đường này là tuyến đi bộ nên rất nhiều đòan Tây, thường là các tóan nhỏ khoảng 2, 3 người, có hoặc không có guide. Những mỗi đòan nhỏ í lại bị đeo bám bởi một đám, đông hơn đến gấp đôi các phụ nữ, trẻ em bán hàng rong.

Điểm dự án của SXH cũng là một điểm dừng của nhiều khách du lịch, nhưng vấn đề là họ dừng ngay trên mặt đường, và ít người biết đến điểm dự án vì không có biển báo gì ở phía trên cả. Thực tế thì cũng chỉ có cái nhà gỗ, gắn biển bên ngòai, bên trong có 1 ít đồ gỗ, không có tranh ảnh, poster gì giới thiệu về nhóm cả! Nhưng các khách trong đòan Traid Craft thì có vẻ có cảm tình với nhóm này hơn vì ít ra thì họ không bị đeo bám bán hàng, các chị ở nhóm cũng khá thân thiện và hiền lành, chỉ cắm cúi ngồi thêu. Hiện tại cũng không có ai thường trực ở đây, họ chỉ tập hợp khi nhận đơn đặt hàng.

Sau điểm SXH, cả đòan đi trekking tuyến Lao Chải, Tả van. Đây là tuyến trekking rất popular nên rất đông khách. Vãn tình trạng đeo bán bán hàng, nhất là tại các điểm Photo breaks. Cả già lẫn trẻ, người Dao, người Mông, nhốn nháo giơ những sản phẩm lòe loẹt lên để mời chào. Hầu như không có ai mua!

Tuyến đi bộ này có khung cảnh khá đẹp, khách có thể ngắm tòan bộ thung lũng Mường Hoa, vào thăm các ngôi nhà truyền thống của người Mông hai bên đường, qua các khu ruộng bậc thang, các cây cầu treo vượt qua những con suối nhỏ đang mùa nuớc cạn, với vô số đá tảng dười lòng sâu. Khung cảnh càng có vẻ hoành tráng hơn với những con đường mới mở xẻ ngang dọc các sườn núi cao.


Điểm đáng chú ý là rất nhiều các điểm bán hàng thổ cẩm của người Mông được tổ chức khá qui củ dọc hai bên đường. Thường thì họ bán hàng ngày tại nhà. Có những điểm tổ chức rất hoàn hảo: trưng bày đồ nghề, thậm chí trình diễn luôn các kỹ thuật chế biến sợi, dệt lanh, nhuôm chàm…Đây chính là những cái Craft Link muốn làm mà chưa làm được. Cái hấp dẫn nữa là được tổ chức ngay trong không gian sống của người dân, ngoài những thứ này ra học còn nhìn thấy nào là, cối xay ngô, cối giã gạo nước, trâu, lợn dầm dưới ruộng bùn, gà vịt chạy tứ tung trong sân…Chỉ có sản phẩm là chả có cái gì ra hồn…

Đường đi khá thuận tiện nên đi bộ khoảng 2 tiếng đồng hồ mà không có cảm giác mệt mỏi. Ngòai các điểm bán hàng thổ cẩm, các quán giải khát cũng nhan nhản. Có cả các điểm home stay and elevenses ( ăn bữa xế trưa! )

Buổi trưa ăn tại một quán do 1 đồng chí cựu hướng dẫn của handspan. Quán có tên là Buffalo bell, món ăn và cách phục vụ rất ổn.

Buổi chiều, xuống thăm Cát Cát. Dọc đường đi cũng chi chít các quán bán thổ cẩm. Có cả một khu vực qui hoạch thành điểm trình diễn làng nghề.

Nói chung do sự phát triển nhanh chóng của du lịch, các điểm bán hàng cũng mọc lên rất nhanh để đáp ứng nhu cầu bán hàng của người dân. Tuy nhiên hầu như họ chưa ý thức được về vấn đề chất lượng sản phẩm và việc gìn giữ bản sắc văn hóa nên tất cả chỉ là cái vỏ bề ngoài sặc sỡ. Việc này thực chất không giúp số lượng hàng bán ra tăng lên, nên không giúp cho người dân tăng thêm được thu nhập!


Kids in Sapa 10-09



Thursday, March 12, 2009

Batik

Batik – Kỹ thuật vẽ sáp ong

“technique of hand-dyeing fabrics by using wax as a dye repellent to cover parts of a design, dyeing the uncovered fabric with a color or colors, and dissolving the wax in boiling water”
Batik là một kỹ thuật trang trí trên vải khá phổ biến của rất nhiều dân tộc. Về cơ bản, nó là kỹ thuật sử dụng sáp ong nóng chảy, vẽ trên mặt vải, che phủ nhũng vị trí muốn giữ lại màu gốc của vải. Tấm vải sẽ được nhuộm với những màu nhuộm nguội và sau cùng được luộc trong nước sôi. Sáp ong tan chảy trong nước sôi sẽ để lộ ra những phần hoa văn được che phủ.
Ở Việt nam, có cộng đồng người Mông và nhóm Dao Tiền là sử dụng nhiều kỹ thuật này. Có thể thấy các hoa văn batik trên váy, áo, địu trẻ em của các dân tộc này.

Các công đoạn làm batik:
  1. Chuẩn bị nguyên liệu:
+ Vải: có thể là vải cotton hoặc Lanh đã giặt sạch sẽ và được làm phẳng, thường thì được trải trên một tấm ván và vuốt phẳng bằng nanh lợn rừng
+ Bút vẽ: là một dụng cụ đặc biệt có cán bằng tre và đầu bằng hai tấm đồng nhỏ có cạnh tròn và trơn, úp vào nhau để chứa sáp ong nóng bên trong.
+ Sáp ong: loại sáp được khai thác trong rừng
+ Chàm: cây chàm thường được trồng ở những mảnh vườn gần nhà, nơi đất cao và khô. Thường thì vào mùa khô, cây chàm được thu hoạch và chế biến. Người ta ngâm lá và cành chàm tươi vào nước trong vài ngày, sau đó vớt hết bã ra và bỏ vôi bột vào khuấy kỹ. Bột chàm và vôi sẽ lắng xuống đáy thùng. Khi gạn hết nước đi, phần bột sánh dưới đáy được giữ lại, đó chính là cao chàm. Để chuẩn bị thùng nước nhuộm, người ta hòa cao chàm với nước tro bếp đã gạn kỹ, chế thêm rượu và một vài loại lá cây. Tùy từng nhóm dân tộc mà công thức cũng có những khác biệt như là những bí quyết để nhộm chàm. Việc nhuộm chàm rất cầu kỳ và chàm được coi là “có linh hồn” nên đôi khi cần có những điều kiêng kị rất đặc biệt.
  1. Vẽ sáp ong
Sáp chỉ có thể dùng để vẽ khi ở trạng thái nóng chảy. Vì vậy khi ngồi vẽ sáp ong , người ta luôn phải ngồi cạnh một bếp than khói nghi ngút và bát đựng sáp ong luôn để trên bếp than. Người ta dùng bút, chấm sáp ong và vẽ các hoa văn theo ý muốn. Các đường cơ bản đôi khi đã được đánh dấu sẵn trên nền vải. Sau khi vẽ xong, trông tấm vải cũng đã như một tác phẩm khá cầu kỳ với các hoa văn sáp ong màu nâu vàng trên nền vải trắng.
  1. Nhuộm chàm.
Đế có được màu xanh chàm đậm và bền màu, miếng vải phải được nhuộm rất nhiều lần có khi kéo dài hàng tháng. Thường thì người ta nhuộm vào những tháng có nhiều nắng. Sau khi ngâm miếng vải trong nước chàm một lúc, người ta đem phơi nắng cho khô, sau đó lại tiếp tục ngâm và phơi, ngâm và phơi…trong quá trình nhuộm, người ta phải rất nhẹ nhàng, cẩn thận vì nếu các phần sáp ong bị nứt, chàm sẽ ngấm vào làm cho hoa văn không được nét và lem luốc.
  1. Loại bỏ sáp ong
Người ta đun nước sôi và nhúng miếng vải đã nhuôm kỹ vào luộc. Sáp ong sẽ ta chảy dưới sức nóng và bị tách ra khỏi tấm vải. Lúc này các hoa văn trước đây bị sáp ong bao phủ sẽ lộ ra và có màu trắng ban đầu của vải, nổi bật trên nền vải chàm. Người ta sẽ giặt miếng vải cho sạch sẽ.