Monday, April 25, 2011
Wednesday, April 20, 2011
Monday, April 4, 2011
Phiên chợ Mèo Vạc
Hôm nay chủ nhật – ngày chợ phiên Mèo Vạc. Nằm trên địa hình bằng phẳng trong thung lũng nên chợ Mèo vạc có cấu trúc khá đơn giản, với một cái cầu chợ xây rộng mênh mông ở chính giữa. Kiến trúc của công trình này không có gì khác biệt so với những chợ miền núi mình đã đi qua. Phía sau chợ là cái sân rộng. Bên trong cầu chợ rất tối, ngày thường thì hầu như không có ai ngồi. Hai bên hông chợ là những kiots bán hàng thường xuyên của các chủ người Kinh, hướng ra phía mặt đường.
Khi nghe thấy tiếng đài phát thành bắt đầu rè rè trên cột điện, ngó xuống chợ thì thấy người đi chợ đã lác đác xuất hiện và ngày càng đông.
Thời tiết không đẹp, trời âm u và mưa nhỏ. Trang phục của người dân ở đây cũng không sặc sỡ như ở Bắc Hà nên dù cũng khá đông đúc nhưng không khí chung vẫn có gì đó hơi buồn. Khoảng 7h, chợ vẫn chưa đông lắm. Cổng chợ phía hông trái có vài người Mông, cả phụ nữ và nam giới đứng ngồi lố nhố, mõi người cắp theo một con gà, chờ bán. Cái kiểu bán hàng rất đặc trưng – nhỏ lẻ chứ không như dưới xuôi! Mặt họ có vẻ ngơ ngác, buồn buồn, lo lắng gì đó…
Vào trong đình chợ có vài dãy hàng bán quần áo, váy vóc nhập từ TQ và duy nhất một hàng bán ít vải phin trắng, đỏ, đen, vải hoa con công.
Một số hàng bán giày vải, dép nhựa, ủng các màu.
Ra khỏi cầu chợ không khí có vẻ tấp nập hơn. Rất nhiều hàng bán váy cho người Mông. Tuyệt nhiên không thấy một cái váy lanh hay tí áo thêu truyền thống nào cả! Thay vào đó là vô số váy xếp ly bằng các loại vải dệt tổng hợp bóng bẩy. Màu đen là phổ biến nhất, ngoài ra người ta cũng bán nhiều váy từ vải hoa, nhưng loại hoa nhỏ, hoạc chạy theo các đường viền ngang. Đặc biệt xuất hiện những chiếc váy màu hồng chóe lọe, chắc là mốt mới nhất. Tất cả đều từ TQ. Cách xếp ly váy vẫn là kiểu truyền thống, có thể đã được hỗ trợ máy móc. Những chiếc váy vẫn còn nguyên các mối chỉ buộc từ trên cạp xuống gần hết gấu váy. Người ta sẽ tháo các mối chỉ dần ra và giữ lại phần mà người ta mong muốn! Một vài phụ nữ Mông đang xem xét, ướm thử những chiếc váy lên người. Giá của mỗi chiecs váy như vậy khoảng 170 – 180K.
Ngay gần khu vực bán vấy là một số hàng bán những đồ linh tinh như kim khâu, bật lửa, đèn pin, gương lược…
Một bà già bán mấy cái bùa có đính chùm lông ngựa
Rất thú vị khi thấy xuất hiện khoảng 4, 5 cái máy khâu được kê ngay sát tường. Thì ra đó là khu dịch vụ sửa chữa quần áo lấy ngay. Cái quần mòn gối, toạc đũng, cái áo sứt chỉ…đều được xử lý ngay tại chỗ! Hầu hết những người bán hàng váy, hàng xén hay sửa chữa ở khu vực này đều là người Dao.
Một vài hàng bán giấy bản dùng trang trí bàn thờ
Hàng bán hương tự chế của người Dao
Từ trên khu vực bán váy, bước xuống vài bậc thang là vào khu vực những lều quán tạm bán phở. Có đến 2, 3 chục hàng phở chi chít. Chủ quán là người Kinh và cả nhiều người Mông. Theo quan sát thì có khá nhiều kiểu ăn phở khác nhau.
- Bánh phở trần + thịt gà chặt bé tí – gần như băm + hành và chan nước dùng.
- Bánh phở trần + Hành + thịt lợn nửa nạc nửa mõ + nước dùng
- Bánh phở trần + Hành + thịt lợn nửa nạc nửa mõ + nước dùng
- Mì tôm ở dưới, bánh phở ở trên + nhiều hành + nước dùng. Loại này 3K một bát
- Bánh phở chan hỗn hợp tiết lợn, đậu phụ, giá đậu tương đun chung trong một chảo to.
Không chờ có khách hàng ngồi vào người ta mới chuẩn bị mà các bát phở đã được sắp sẵn, rắchành, rắc thịt để chi chít trên bàn. Người ta không lăn tăn cái chuyện “ Ăn phở là phải nóng”! Khách ăn phở tất nhiên là người địa phương. Có một nhóm các em tin tin người Mông ăn mặc rất sặc sỡ đang ngồi ăn phở - chắc thuộc dạng “ dân chơi’ địa phương!
Gần đó có vài hàng xôi ngũ sắc đặc trưng của địa phương. Các hàng bán phở sợi ngồi thành một dãy. Loại bánh phở địa phương tráng từ gạo đỏ, sợi phở có màu hồng nhạt!
Đây là món Tào Chúa, gần giống đậu phụ nấu chung với rau cải.
Ra khỏi khu vực “Phở” là nơi bán các loại nông thổ sản. Nào là rau, măng, khoai sắn, mía, gừng…Một số là của địa phương, phần nhiều là từ các nơi khác.
Mình thích nhất là ngắm các em bé đi chợ theo mẹ. Mặc những bộ trang phục đẹp nhất, mặt mũi vừa háo hức vừa ngơ ngác. Bạn thì gặm mía, bạn thì liếm kem, rõ là những món quà lớn mà chúng mong chờ suốt trong tuần…
Phía rìa ngoài của sân là nơi bán các vật dụng gia đình: nồi niêu, xoong chảo đủ cả. Những chiếc chảo đại để nấu cám lợn hay nấu rượu, những chiếc thùng nhựa cũng to đại tướng mà người ta chỉ có một cách duy nhất là cõng trên lưng để chở về nhà. Rất nhiều loại chõ để đồ mèn mén. Trước đây ở chợ Quản bạ mình còn thấy có loại chõ làm bằng gỗ, nay thì toàn đồ inox từ dưới xuôi mang lên.
Tủ sơn màu cam - Model mới nhất
Không xa chỗ này là chỗ bán nông cụ: cuốc, xẻng, bắp cày tự đẽo, lưỡi cày tự rèn, dao quắm sáng loáng…Người ta thử lưỡi cày bằng cách gõ thử vào và nghe tiếng kêu…Đi qua đoạn này là điếc tai luôn…
Rất nhiều hàng bán các loại gùi đan bằng tre, có cả những chiếc bé tí dành cho trẻ em.
Một hàng thuốc dân tộc
Mật ong khô
Dọc hai bên đường, phía sườn trái của chợ là hàng trăm người bán rượu. Đây là khu vực đông vui nhộn nhịp nhất trong chợ.
Phần lớn người bán là các phụ nữ Mông, mỗi người gùi theo vài can rượu, đứng san sát bên nhau suốt dọc đường. Mỗi bà, mỗi cô cầm một chiếc thìa nhỏ trên tay, sẵn sàng mời khách uống thử rượu trước khi khi mua. Người mua xem ra cũng toàn là người Mông, mức độ tiêu thụ rượu ở đây quả là kinh khủng. Đi xuyên qua chợ rượu, chỉ ngửi mùi thôi chắc cũng đã tây tây! Phía sau chợ còn có một khu vực bán chó nữa, chỗ này mình chẳng thích. Trước kia chợ còn có khu bán lợn, trâu bò. Hình như đang có dịch nên không ai bán cả.
Không chỉ mua bán, quan sát trong chợ còn nhiều cảnh tượng hay ho. Một vài đám đàn ông người Mông ngồi quây quần uống rượu không cần mồi nhắm. Ở chợ này hình như không có thắng cố? hay là mình chưa nhìn thấy!
Các thiếu nữ cũng kéo nhau đi từng đoàn. Các nam thanh niên thì túm tụm thử sim điện thoại di động, thật là phù hợp với thời đại…
Một vài cụ già gặp được bạn quen lưu luyến nắm tay nhau…
Rồi còn nhiều khuôn mặt đặc trưng của một phiên chợ vùng cao:
Đi hết một vòng, quay về cổng chính thì nhìn thấy dăm ba người đàn ông trung niên đi xe Minsk, mặc quần áo mưa đang thu mua lanh từ những phụ nữ người Mông đến chợ. Mỗi bà chỉ mang đi 1 hoạc hai tấm vải loại chưa giặt tẩy. Thì ra mấy ông này là đầu mới thu mua lanh lẻ tại tất cả các chợ phiên trong vùng. Mỗi tấm vải họ mua rất rẻ chỉ khoảng 100 – 120K. Sau đó họ bán nguyên dạng mộc như vậy cho người TQ hoặc đem giặt tẩy trắng rồi bán về HN. Ngoài vải lanh họ còn mua cả sợi chưa dệt, và các đồ trang sức bạc. Một dầy xà tích bạc, dài khoảng 130g, họ trả giá 500 -600K.
....Khoảng 9h, rời Mèo Vạc đi Đồng Văn. Hôm nay cũng là phiên chợ Đồng Văn.
Subscribe to:
Posts (Atom)